SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Chuyển đổi số (27.06.2022 16:23)

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông ban hành kế hoạch hoạt động trong năm 2022.


Ngày 17/6/2022, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 348/KH-BCĐ về Hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông năm 2022, theo đó đề ra một số mục tiêu quan trọng, cụ thể:

           1. Phát triển hạ tầng số

           a) Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%.

           b) Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 75%.

           2. Phát triển chính quyền số

           a) Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%.

           b) Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%.

          c) Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% (đối với thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận một cửa cấp tỉnh từ ngày 01/7/2022; đối với thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 01/12/2022).

          d) Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%.

          đ) Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục đạt 50% (không áp dụng đối với dữ liệu phục vụ công tác quân sự, quốc phòng).

          3. Phát triển kinh tế số và xã hội số

          a) Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%.

          b) Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.

          c) Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%.

          d) Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7%.

          đ) Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt từ 65 - 70%.

          Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông phân công nhiệm vụ trọng tâm cho các ủy viên trực tiếp chỉ đạo:

          1. Phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân

          Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện.

          Mục tiêu đến hết năm 2022 tối thiểu 75% hộ gia đình có cáp quang, phủ sóng băng rộng di động tới 100% thôn/bản; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%.

          2. Phổ cập danh tính điện tử toàn dân

          Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương xây dựng Hệ thống định danh và xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

          Mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ có từ 15-20% người dân sử dụng ứng dụng định danh điện tử.

          3. Phổ cập an toàn thông tin mạng, an ninh mạng toàn dân

          a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai phần mềm bảo vệ ở mức cơ bản, phổ cập kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng cho người dân.

          b) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của an ninh mạng; hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, hoạt động các loại tội phạm trên không gian mạng, từ đó, ý thức được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ an ninh mạng và xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.

          4. Phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân

          Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương thúc đẩy triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

          Mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ có trên 90% người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe người dân, từng bước thay thế y bạ giấy.

          5. Phổ cập dạy học trực tuyến

          Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thúc đẩy sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến và kho tài nguyên giáo dục số quốc gia. Phổ cập và duy trì tỷ lệ dạy học trực tuyến nhất định ngay cả khi dịch Covid-19 kết thúc.

          6. Phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

          Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa.

          Mục tiêu đến hết năm 2022 đạt tối thiểu 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được sử dụng các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số.

          7. Phổ cập hóa đơn điện tử

          Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số trong xã hội.

          Mục tiêu đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.

          8. Phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

          Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các địa phương, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, các cơ quan truyền thông xây dựng Chuyên trang chuyển đổi số tỉnh để công bố công khai các bài toán chuyển đổi số của tỉnh, của Sở, ban, ngành, của cấp huyện, cấp xã, các bài toán chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Công bố công khai danh sách các dự án chuyển đổi số. Phổ biến các kinh nghiệm chuyển đổi số, mô hình chuyển đổi số điển hình.

          Mục tiêu đến hết năm 2022 Chuyên trang chuyển đổi số tỉnh có tối thiểu 01 triệu lượt truy cập.

          9. Phổ biến kỹ năng số

          Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thành phố triển khai Khung kỹ năng số quốc gia và triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà về kỹ năng số (MOOCS) phù hợp với Khung kỹ năng số quốc gia trên địa bàn tỉnh, cho phép người dân tự học kỹ năng số và tự kiểm tra, đánh giá kỹ năng số cơ bản miễn phí.

          Mục tiêu đến hết năm 2022 phổ biến kỹ năng số cơ bản cho tối thiểu 150.000 lượt người.

          10. Thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số

          Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và UBND các huyện, thành thúc đẩy triển khai thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt.

          Mục tiêu đến hết năm 2022 tỷ trọng thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt đạt tối thiểu 50%.

          11. Phát triển thương mại điện tử, thương mại số

          Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thành phố thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, chuyển đổi số ngành Công Thương, đặc biệt là thương mại điện tử vùng nông thôn, đưa bà con nông dân buôn bán, cung cấp hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.

          Mục tiêu đến hết năm 2022 tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7%.

          12. Quy hoạch đô thị thông minh

          Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh theo Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam; phát triển nền tảng cơ sở dữ liệu để quản lý về quy hoạch, kiến trúc; triển khai rà soát, công khai dữ liệu quy hoạch xây dựng đối với các đô thị dự kiến triển khai đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh; ban hành hướng dẫn tổ chức thiết lập hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị trên nền tảng GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh.

          13. Phát triển Hệ thống thông tin báo cáo

          Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương cập nhật thông tin báo cáo trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo hướng cập nhật, tổng hợp thông tin từ các cấp chính quyền theo thời gian thực thông qua việc kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

          Sở Thông tin và Truyền thông vận hành, phát triển Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh bảo đảm kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gian, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

          14. Tăng cường nguồn lực chi nghiên cứu khoa học cho chuyển đổi số

          Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông có giải pháp tăng cường nguồn lực, khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng, đổi mới sáng tạo các công nghệ số, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh; trong đó, ưu tiên các nghiên cứu trong các lĩnh vực trụ cột của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như AI, Blockchain, in 3D, y sinh.

          15. Triển khai và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu nông nghiệp

          Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thành phố triển khai hình thành cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng, hướng tới triển khai thí điểm, từng bước hình thành Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân.

          16. Phát triển Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức

          Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức để quản lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch, kịp thời tạo nguồn dữ liệu cốt lõi cho phát triển chính quyền số.

          17. Điều phối phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu

          a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì điều phối, phối hợp cùng các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các Sở, ban, ngành khẩn trương rà soát, công bố danh mục dữ liệu của mình, đăng ký dịch vụ chia sẻ dữ liệu với Sở Thông tin và Truyền thông.

          b) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

          Cũng theo kế hoạch, Thanh tra tỉnh được phân công nhiệm vụ: Phối hợp với Thanh tra Chính phủ triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, bảo đảm thuận lợi, công khai, minh bạch trong phạm vi cả nước theo quy định trên địa bàn tỉnh; thời gian hoàn thành: Tháng 12/2022.

 

Xem chi tiết Kế hoạch số 348/KH-BCĐ tại đây

Văn phòng.


Bản in


false true