SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Cải cách hành chính (13.10.2023 09:45)

Bàn về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2022


Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023, có những quy định mới so với Luật Thanh tra năm 2010, trong đó có quy định về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra.

 

Để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với thủ trưởng cơ quan thanh tra, đồng thời nhằm nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra đối với hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 quy định chỉ thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra. Tại khoản 1, Điều 59 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: “Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra”.

 

Trước đây theo quy định tại Điều 43 và Điều 51 Luật Thanh tra năm 2010, ngoài thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra khi xét thấy cần thiết: “Điều 43. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính: 2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra”; Điều 51. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành: 1. Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra”.

 

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện nay thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không còn thẩm quyền ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra, mà tập trung tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra thuộc phạm vi, quyền hạn của mình, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị về nội dung thanh tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 6 Luật Thanh tra năm 2022.

 

Đối với các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuộc về Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 36, Điều 37 Luật Thanh tra năm 2022. Tại khoản 2, Điều 36 quy định: “Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Chính phủ giao cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi thống nhất với Bộ trưởng phụ trách ngành, lĩnh vực có liên quan”; tại Điều 37 quy định: “1. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 và khoản 1 Điều 34 của Luật này…; 2. Trong hoạt động thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan thanh tra…; 3. Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định về hoạt động thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành”.

 

Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

 

Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành hiện chưa có Nghị định mới thay thế; tại Điều 14 và khoản 2, Điều 15 quy định: 

 

Điều 14. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch: 1. Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra. 2. Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra”; 

 

Điều 15. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành đột xuất: 2. Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra và gửi quyết định thanh tra đột xuất để báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Giám đốc sở. Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở thì quyết định thanh tra đột xuất được gửi để báo cáo Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở; 3. Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra”.

 

Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước theo quy định nêu trên tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ hiện không còn phù hợp với Luật Thanh tra năm 2022, trong khi tại thời điểm hiện nay chưa có Nghị định thay thế Nghị định số 07/2012/NĐ-CP. Để xử lý vấn đề thực tiễn này, cần áp dụng quy định về nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020): “2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Như vậy, để xử lý các vướng mắc trong việc thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành trong thời điểm hiện nay, thì thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra phải căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022, là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.

V.M.P.


Bản in