SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Phòng chống tham nhũng (12.01.2023 10:57)

“Cuộc chiến chống tham nhũng đi vào chiều hướng rất quyết liệt”


(Thanh tra) - Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn.

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Ảnh: N.Bắc

Cán bộ tự giác nhận sai phạm, gánh vác trách nhiệm

Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiểm soát, đẩy lùi. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh trong năm 2022. Điều này, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.

Việc xử lý các sai phạm liên quan đến Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)… là những ví dụ minh chứng điển hình.

Đi cùng đó, trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, phải kể đến Thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Trong đó, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Từ chủ trương mới này, tại Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 Uỷ viên Trung ương Đảng (Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong; Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang) thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương.

Các địa phương cũng thực hiện nghiêm chủ trương của Trung ương, xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có cả trường hợp là chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh (Ninh Bình, Phú Yên, Bình Thuận).

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Ảnh: Đ.X 
“Cuộc chiến chống tham nhũng năm 2022 đi vào chiều hướng rất quyết liệt, từ đó bộc lộ nhiều mặt, không chỉ về hàng rào pháp lý còn lỏng lẻo, còn cho thấy việc lựa chọn cán bộ nắm giữ các vị trí chủ chốt ở các bộ, ngành, địa phương còn những điểm yếu kém. Nhưng không vì thế mà chúng ta “chùn bước” trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, ngược lại nhờ quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà kinh tế - xã hội phát triển”, đại biểu Lê Thanh Vân. 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhìn nhận, từ những việc làm quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, từ những tác động mạnh mẽ trong các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành đã làm cán bộ tự giác nhận ra hành vi sai phạm mà mình gây ra hoặc trách nhiệm mà mình phải gách vác.

Dù không bị kỷ luật, nhưng xét thấy trách nhiệm chính trị, trách nhiệm của mình trước hàng loạt vi phạm thuộc lĩnh vực phụ trách, 2 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã xin thôi nhiệm vụ. “Tôi cho rằng đây là chuyển biến rất mạnh mẽ”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.

Trên cơ sở nguyện vọng cá nhân, Trung ương Đảng, Quốc hội đã tiến hành các thủ tục tạo điều kiện cho ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam thôi nhiệm vụ Phó Thủ tướng.

Đưa từ chức trở thành hoạt động bình thường

Theo Quy định số 41 của Bộ Chính trị, từ chức là việc “cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận”.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nói, từ chức “rất bình thường” trên thế giới, nhưng ở nước ta lại “bất thường”.

“Khi một người từ chức, họ thường bị xã hội gán cho những ý nghĩa tiêu cực nào đó với những câu hỏi bỏ ngỏ như: Tại sao phải từ chức? Từ chức có phải vì liên quan vụ đến việc này, vụ việc kia hay không? Hay bí ẩn gì nằm sau hành động từ chức?… Đó là những câu hỏi rất khó trả lời, tạo áp lực rất lớn cho những người xin từ chức với mong muốn thể hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm với công việc của mình”, ông Sơn nêu ý kiến.

Cho rằng, cán bộ cần ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong công việc, đại biểu Quốc hội này đánh giá rất cao các quy định, kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến từ chức.

 Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Ảnh: P.Thắng

Theo ông Bùi Hoài Sơn, sau khi các văn bản này ban hành, dư luận xã hội đánh giá khách quan, tích cực hơn, không coi việc xin từ chức là hành động do liên quan đến tiêu cực, vi phạm, mà là hành động bình thường, thể hiện trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo với công việc, với đất nước.

“Việc từ chức từ đó cũng trở nên nhẹ nhàng hơn”, đại biểu Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, rất cần những cán bộ đề cao tinh thần trách nhiệm, để từ đó xây dựng nền hành chính công hiện đại, có thêm quyết tâm phát triển đất nước.

“Chúng ta không lo thiếu cán bộ, mà chỉ lo sợ cán bộ không hết mình, không có trách nhiệm trong công việc, hoặc ngồi nhầm vị trí, gây cản trở sự phát triển công việc chung, thậm chí cản trở sự thăng tiến của người khác”, ông Sơn nói.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nói thêm rằng, đất nước chúng ta có rất nhiều người tài, có khát vọng cống hiến cho đất nước, cho xã hội. Vấn đề là, chúng ta có phát hiện, trọng dụng họ hay không, có tạo được môi trường thuận lợi để họ cống hiến, phát huy hết tài năng cho công việc, đất nước hay không.

Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo đã kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống”. Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, để “xây”, Bộ Chính trị có Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

“Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vừa rồi, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ là có thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị không? Bộ trưởng nói sẽ làm”, đại biểu Lê Thanh Vân nói và cho rằng, việc chuyển thể từ quan điểm, chỉ đạo của Đảng sang các quy phạm pháp luật có một quá trình.

“Chúng ta tin rằng, Chính phủ sẽ sớm có văn bản này và không xa nữa Quốc hội sẽ phải sửa các luật liên quan như Luật Cán bộ, công chức; Luật Xử lý vi phạm hành chính, hoặc thậm chí có một luật riêng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, đấy là một bộ phận cấu thành của luật trọng dụng nhân tài”.

Đại biểu Quốc hội này lưu ý, thời gian tới, phải có bằng chứng ở các cấp từ trung ương đến cơ sở về việc dám bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. “Nếu chưa có bằng chứng thì chưa thuyết phục được công chúng rằng chúng ta nói là làm”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Kiên quyết loại bỏ người tham nhũng, hư hỏng

Năm 2023, cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước.

Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.

Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”.

Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hoá quốc"!

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 3/1/2023)

 

theo thanhtra.com.vn


Bản in