SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Phòng chống tham nhũng (22.09.2021 22:27)

Kiểm soát tài sản, thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng triệt để nhất


(Thanh tra) - Đó là nhấn mạnh của Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm tại Hội thảo Tập huấn ASEAN-PAC với chủ đề “Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: Lý luận và Thực tiễn” do Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Văn phòng Cơ quan phòng, chống tội phạm và Ma túy Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức vào chiều ngày 22/9.

Thanh tra Chính phủ chủ trì khai mạc Cuộc họp Ban Thư ký ASEAN - PAC lần thứ 17

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh kiểm soát tài sản, thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng triệt để nhất. Ảnh: TH

Hội thảo tập trung thảo luận về khuôn khổ pháp lý và tiêu chuẩn quốc tế về kiểm soát tài sản và thu nhập (TSTN); phân tích so sánh trên hệ thống kê khai TSTN; các thực tiễn tốt liên quan đến hệ thống kê khai TSTN; các phương pháp hay trong việc phát hiện, kiểm soát xung đột lợi ích, xác minh TSTN và xử lý TSTN không giải trình được thông qua hệ thống kê khai tài sản và thu nhập.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh: Kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) quan trọng được thực hiện ở các quốc gia trên thế giới. Biện pháp này giúp các cơ quan có thẩm quyền kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, đồng thời cũng giúp nhận diện các xung đột lợi ích tiềm tàng và hiện hữu trong quản lý Nhà nước.

“Trên cơ sở đó, kiểm soát có hiệu quả TSTN của người có chức vụ, quyền hạn sẽ góp phần xây dựng khu vực công liêm chính, trách nhiệm, tạo dựng và duy trì lòng tin của công chúng vào bộ máy công quyền”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Đến nay, kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn được đề cập trong nhiều điều ước quốc tế về chống tham nhũng, đặc biêt là tại Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) năm 2003. Đây cũng là biện pháp được ghi nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia, dưới những hình thức và mức độ khác nhau.

Theo Phó Tổng Thanh tra, chúng ta dường như đều có chung nhận thức rằng, kiểm soát tốt TSTN của đội ngũ cán bộ, công chức, tiến tới kiểm soát TSTN trong toàn xã hội là biện pháp phòng ngừa tham nhũng triệt để nhất. Bởi lẽ, biện pháp này sẽ giúp giải quyết được một cách triệt để từ gốc rễ và ngăn chặn ngay từ đầu sự hình thành của TSTN bất minh, gián tiếp giảm tải gánh nặng rất lớn cho các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phát hiện, truy vết và thu hồi tài sản tham nhũng.

Toàn cảnh hội thảo tại Thanh tra Chính phủ. Ảnh: TH 

Bên cạnh những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật, để triển khai có hiệu quả hệ thống kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn ở nhiều quốc gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thực tiễn cho thấy, có nhiều yếu tố tác động, chi phối và quyết định đến hiệu quả của công tác kiểm soát TSTN, chẳng hạn như quyết tâm chính trị, thể chế chính trị, trình độ phát triển, khuổn khổ pháp luật, năng lực, điều kiện đảm bảo thực thi pháp luật… Ngoài ra, các yếu tố về nhận thức, tâm lý, văn hoá, phong tục, tập quán trong nhiều trường hợp, cũng trở thành những rào cản đáng kể trong kiểm soát TSTN.

Đồng thời, bối cảnh kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi hoặc chưa chuyển đổi, cũng làm phát sinh nhiều cản trở cho việc triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn khi chưa có một hệ thống thể chế kinh tế trị trường hoàn thiện và các hoạt động kinh tế phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn - nơi tạo điều kiện cho tham nhũng nảy sinh và cản trở đáng kể những nỗ lực kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan có thẩm quyền.

“Xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề này, TTCP Việt Nam và UNODC đã quyết định lựa chọn “Kiểm soát TSTN của cán bộ, công chức: Lý luận và Thực tiễn” làm chủ đề cho Hội thảo Tập huấn ASEAN-PAC ngày hôm nay” - Phó Tổng Thanh tra bày tỏ.

Phó Tổng Thanh tra hi vọng, với những kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế tốt được chia sẻ cởi mở trong hội thảo hôm nay, các đại biểu đều sẽ nhận được những thông tin có giá trị tham khảo tốt, phục vụ thiết thực cho công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về kiểm soát TSTN ở quốc gia mình.

Tại hội thảo, ông Francesco Checchi, cố vấn PCTN của UNODC đã giới thiệu về khuôn khổ pháp luật quốc tế về kiểm soát TSTN. Trong đó nhấn mạnh những vấn đề lý luận căn bản về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn, ý nghĩa và sự phát triển của pháp luật về kiểm soát TSTN trên thế giới, ý nghĩa của vấn đề này trong công tác PCTN; các chuẩn mực quốc tế về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong các điều ước quốc tế về PCTN.

Đồng thời, các đại biểu cũng được nghe bà Alma Sedlar, cố vấn PCTN của UNOD đã giới thiệu và phân tích các mô hình chính về kê khai, công khai TSTN trên thế giới, các yếu tố cần cân nhắc khi xây dựng cơ chế kê khai, công khai TSTN của người có chức vụ, quyền hạn.

Theo bà Alma Sedlar, việc kê khai TSTN được coi là biện pháp nhằm ngăn ngừa xung đột lợi ích. Việc công khai các đạo luật kê khai tài chính đã tăng 3 thập kỷ qua, trong đó có 2 mô hình cơ bản của hệ thống kê khai TSTN đó là, sự giàu lên bất hợp pháp của cán bộ, công chức và kiểm soát xung đột lợi ích.

Thành viên ASEAN-PAC tham dự hội thảo. Ảnh: TH 

Mặc dù có điểm khác biệt, nhưng có một số hệ thống kê khai TSTN tương đối giống nhau mà khi kê khai cần lưu ý như: Đối tượng kê khai, thời điểm kê khai, kê khai bằng phương pháp như thế nào? Việc kê khai đó thực hiện với ai, cơ quan phụ trách vấn đề đó là ai? Xác minh kê khai như thế nào? Chế tài xử vi phạm kê khai ra sao? Khả năng tiếp cận của công chúng đối với dữ liệu được kê khai?

Về đối tượng, bà Alma Sedlar cho biết, mỗi một quốc gia có đối tượng khác biệt, có quốc gia thì yêu cầu người có chức vụ quyền hạn phải kê khai, có quốc gia thì chỉ một  số đối tượng người chức vụ quyền hạn phải kê khai; có quốc gia thì yêu cầu tất cả cán bộ, công chức các cơ quan hành pháp, lập pháp hay từ Trung ương địa phương phải kê khai.

Về nội dung kê khai được xác định bằng biểu bảng hồ sơ kê khai, thông thường các nội dung cụ thể được quy định bằng văn bản luật và biểu mẫu để kê khai. Trong biểu mẫu kê khai không sử dụng câu hỏi dạng mở bởi khiến khó việc phân tích; một số những thuật ngữ được định nghĩa được dễ hiểu, từ đó các cơ quan  mới có dữ liệu hữu ích. Và điều đặc biệt là người kê khai phải chịu trách nhiệm với những gì đã kê khai.

Ngoài ra, phần lớn các hệ thống kê khai đòi hỏi người kê khai cung cấp các tài sản của mình như: Thẻ ngân hàng, tài sản chứng khoán, tài sản đất đai đang nắm giữ.

Một số câu hỏi chính thường đặt ra trong bản kê khai là biểu thị các tài sản đó được mua ở đâu, tiếp nhận như thế nào, bản chất sử hữu, ai đã sở hữu….

Về cách thức nộp hồ sơ kê khai thì có 2 cách bằng điện tử và giấy, một số quốc gia sử dụng hệ thống tự động hóa kiểm tra, kiểm soát thông qua tài sản ngân hàng….

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các diễn giả trình bày về các thực tiễn tốt trong phát hiện và quản lý các xung đột lợi ích thông qua các bản kê khai TSTN, giới thiệu những phương thức nhận diện các xung đột lợi ích tiềm tàng và hiện hữu thông qua việc quản lý thông tin, dữ liệu kê khai trong các bản kê khai TSTN.

theo thanhtra.com.vn


Bản in