SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Phòng chống tham nhũng (19.09.2019 14:38)

Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân tố giác tham nhũng, "lợi ích nhóm"


(Thanh tra) – Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực; là nơi tin cậy để người dân phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, "lợi ích nhóm", tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân…

 

Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân tố giác tham nhũng, "lợi ích nhóm" 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Mặt trận Tổ quốc

Sáng nay (19/9), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 với tinh thần “đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển”.

Gần 1.000 đại biểu, đại diện các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài đã về dự Đại hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Đại hội có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những kết quả, thành tích đã đạt được của Mặt trận Tổ quốc thời gian qua đã góp phần không ngừng tăng cường, tạo động lực, sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân.

“Mặt trận Tổ quốc tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở nước ta”, Thủ tướng nói.

4 nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn là thách thức

Tuy nhiên, công tác Mặt trận vẫn còn những hạn chế, bất cập, cần có các giải pháp để khắc phục.

Nội dung và phương thức vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân vẫn chưa đáp ứng kịp thời trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế.

“Hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở một số nơi chậm đổi mới, kém hiệu quả; chưa khắc phục được tình trạng hành chính hoá”, người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận.

Theo ông, hiện nay và thời gian tới, tình hình thế giới biến đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường nhưng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là những xu thế lớn.

Ở trong nước, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên nhiều. Song, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và tiếp tục là những thách thức không nhỏ, tuyệt đối không được chủ quan, xem nhẹ.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại hội

“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục.

Những diễn biến mới, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng trên Biển Đông, đe doạ hoà bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; sự chống phá của các thế lực thù địch; thiên tai, dịch bệnh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu… là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Thủ tướng lưu ý.

Cần tôn trọng những điểm khác biệt

Trước bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh và gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội xem xét, thảo luận, quyết định.

Đó là, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt.

“Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng nói.

Cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan đảng và nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương; tiếp tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội, tin tưởng vững chắc vào đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo.

Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.

Phát huy vai trò tích cực trong kiểm soát quyền lực

“Mặt trận Tổ quốc cần chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận.

Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, "lợi ích nhóm", tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn 

Ngoài ra, Mặt trận cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân, tập trung hướng mạnh về cơ sở…

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị, các cấp uỷ đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và các cơ quan chính quyền cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận; tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động và chính sách đối với công tác Mặt trận nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong tình hình mới.

“Đảng và Nhà nước cũng mong muốn nhận được nhiều hơn những ý kiến đề xuất, góp ý xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để Đảng, Nhà nước tiếp thu và hoàn thiện chủ trương, đường lối và phương thức lãnh đạo của mình”, Thủ tướng phát biểu.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho hay, Đại hội lần này có ý nghĩa rất quan trọng, có nhiệm vụ đánh giá tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các tầng lớp nhân dân; việc thực hiện 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2014-2019 và đề ra chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng tâm tư nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

“Đại hội sẽ thông qua Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, bổ sung; hiệp thương cử ra Uỷ ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực nhiệm kỳ 2019-2024”, ông Mẫn nói.

theo thanhtra.com.vn


Bản in