SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Phòng chống tham nhũng (25.08.2020 14:48)

Một bộ phận nhân dân, cán bộ ngại va chạm, sợ bị cô lập, trả thù


(Thanh tra)- Thực trạng này được đề cập tại báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020 (từ ngày 1/8/2019 đến ngày 31/7/2020) của UBND tỉnh Bình Định (ngày 12/8/2020).

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ, bài bản

Công tác PCTN trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 tiếp tục được cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, đồng bộ trên nhiều mặt.

Các ngành, địa phương đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch PCTN năm 2020, gắn với công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng lực, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản và có hiệu quả hơn trước.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng được tiến hành tích cực, khẩn trương, đúng tiến độ, đúng pháp luật.

Hiệu quả xử lý thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng có chuyển biến tích cực.

Công tác kiểm tra, giám sát nội bộ của một số cơ quan, đơn vị còn yếu

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần chấn chỉnh, khắc phục đó là: Việc triển khai thực hiện Đề án Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 nhìn chung còn chậm tiến độ; biện pháp tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chưa đa dạng.

Một số ngành, địa phương xây dựng kế hoạch PCTN hàng năm còn chung chung, chưa xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn; chưa phân công rõ trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan để chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số ngành, địa phương chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ.

Công tác kiểm tra, giám sát nội bộ của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu.

Việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước còn lúng túng.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do: Người đứng đầu một số ngành, địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý. Công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về PCTN của cơ quan thanh tra cấp sở và cấp huyện chưa đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình thực tiễn do thiếu biên chế chuyên trách. Việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới tuy có quan tâm, nhưng hiệu quả chưa cao so với yêu cầu. Việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng còn nhiều khó khăn, do hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Một bộ phận nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, lo sợ bị cô lập, trù dập, trả thù. Một số quy định của pháp luật về PCTN hiện hành chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai thực hiện còn chậm và lúng túng.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 30/1/2020 của UBND tỉnh về công tác PCTN năm 2020 và Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 23/8/2019 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN.

Chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, giải quyết tố cáo, điều tra phát hiện, xử lý các vụ việc, người có hành vi tham nhũng.

Tăng cường quản lý Nhà nước; quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng có liên quan; phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể, cơ quan báo chí và nhân dân trong PCTN.

Một số kiến nghị

Kiến nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sớm ban hành nghị định và thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện cụ thể việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để tổ chức thực hiện.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo thẩm quyền quản lý Nhà nước của mình sớm ban hành quy định cụ thể quy tắc ứng xử theo quy định tại điều 22, 23 và danh mục các vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn định kỳ phải chuyển đổi nhằm phòng ngừa tham nhũng theo quy định tại điều 36 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN để các biện pháp thực hiện thuận lợi, thống nhất.

Kiến nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước để tạo điều kiện thực hiện thuận lợi, thống nhất. 

theo thanhtra.com.vn


Bản in