SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật (10.05.2023 13:51)

Những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022


Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/07/2023. Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều quy định mới, khắc phục được những vướng mắc, khó khăn của Luật Thanh tra năm 2010. Sau đây là những điểm mới nổi bật đáng chú ý trong Luật Thanh tra năm 2022.

Luật Thanh tra năm 2022 có tất cả 8 Chương và 118 Điều luật, tăng 01 Chương và 40 Điều so với Luật Thanh tra năm 2010: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; Chương III: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Chương IV: Hoạt động thanh tra; Chương V: Thực hiện kết luận thanh tra; Chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra; Chương VII: Điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra; Chương VIII: Điều khoản thi hành.

1. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành (điểm mới), đây được xem là điểm mới đáng chú ý.

Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Bổ sung, sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh:

- Luật Thanh tra năm 2022 không còn quy định các tổ chức Thanh tra sở, ngành, Thanh tra cấp huyện xây dựng và trình thủ trưởng cùng cấp phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm nữa. Tại điểm a, khoản 1, Điều 23 quy định: Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là kế hoạch thanh tra của tỉnh), hướng dẫn Thanh tra sở, Thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành.

- Tại điểm đ, khoản 1, Điều 23 bổ sung nhiệm vụ: Ngoài kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Luật Thanh tra năm 2010, bổ sung nhiệm vụ: Thanh tra tỉnh có thẩm quyền thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra.

- Tại điểm g, khoản 1, Điều 23 sửa đổi về thẩm quyền thanh tra lại: Thanh tra tỉnh thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của Thanh tra sở, Thanh tra huyện nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (không thanh tra lại đối với kết luận thanh tra của Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện như tại điểm b, khoản 2, Điều 22 Luật Thanh tra năm 2010.

- Tại khoản 5, Điều 24 bổ sung về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Chánh Thanh tra tỉnh: “Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”. Thẩm quyền này tại Điều 116 Luật Thanh tra năm 2022 đã sửa đồi bổ sung một số khoản của Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2014, năm 2020: Bổ sung cụm từ “Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Thanh tra tỉnh” vào trước cụm từ “Cục trưởng Cục Thống kê,” tại đoạn mở đầu khoản 3.

3. Sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở:

Tại Điều 27 Luật Thanh tra năm 2022 về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở, thì Thanh tra Sở không còn nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra lại như quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 25 Luật Thanh tra năm 2010.

4. UBND cấp tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở:

Tại khoản 2, Điều 26 Luật Thanh tra 2022, Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây:

- Theo quy định của luật;

- Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;

- Tại sở do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Như vậy, UBND cấp tỉnh đã được giao quyền chủ động thành lập thanh tra sở (trước kia thực hiện theo sự ủy quyền) nhưng việc thành lập phải căn cứ theo luật định.

5. Đưa vào luật hóa các bước tiến hành hoạt động thanh tra:

- Luật quy định các bước tiến hành cuộc thanh tra gồm: chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc thanh tra trực tiếp với nội dung công việc khá cụ thể và đầy đủ. Một số quy định trước đây về hoạt động thanh tra trong các văn bản dưới luật (Nghị định, Thông tư), qua thực tiễn áp dụng có hiệu quả đã được nâng lên thành quy định của luật để nâng cao hiệu lực cũng như tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng.

- Luật bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác thanh tra hiện nay như việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch tiến hành thanh tra; việc tạm dừng cuộc thanh tra; việc đình chỉ cuộc thanh tra.

- Đưa vào Luật tại Điều 56 quy định thanh tra lại (Luật Thanh tra năm 2010 không có; thanh tra lại quy định tại Nghị định số 86/2011/NĐ-CP).

6. Đưa vào luật quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra:

Nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo tính khả thi của các Kết luận thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ về việc thẩm định Kết luận thanh tra. Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức và nguồn lực của các cơ quan thanh tra, Luật quy định việc thẩm định là thủ tục bắt buộc đối với dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh; đối với dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

Giám sát hoạt động Đoàn thanh tra cũng là một trong những nội dung mới của Luật nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ luật, kỷ cương đối với người tiến hành thanh tra. Luật quy định giám sát là trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia Đoàn thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra cử người thực hiện giám sát hoặc thành lập Tổ giám sát để bảo đảm cuộc thanh tra được tiến hành đúng nội dung, phạm vi, thời gian thanh tra.

7. Quy định về việc ban hành Kết luận thành tra:

Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra; quy định rõ thời gian ban hành kết luật thanh tra.

Luật đã quy định về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra. Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

Quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra để phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh là cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý, xử lý kịp thời các vi phạm phát hiện qua thanh tra.

Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra, theo khoản 1, Điều 78 thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định. Tại Luật Thanh tra 2010, chưa có quy định cụ thể về thời gian ban hành kết luận thanh tra mà chỉ nêu thời hạn công khai kết luận thanh tra trong 10 ngày (Điều 39 Luật Thanh tra 2010).

8. Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra:

- Luật Thanh tra năm 2022 quy định tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên chính là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 39) và các ngạch còn lại (thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp) sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn riêng (Điều 40 và Điều 41).

- Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2022 cũng đã bỏ quy định cộng tác viên thanh tra (được định tại Điều 35 Luật Thanh tra năm 2010).

9. Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên:

Theo khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra 2022, việc miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện trong trường hợp sau đây: Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành; Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao; Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra 2022; Không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm; Người được bổ nhiệm vào ngạch có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Các trường hợp trên được luật hóa trên cơ sở đã có các quy định tại khoản 1, Điều 15 Nghị định 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra và những thay đổi theo các quy định liên quan.

10. Về quyền của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan:

- Tại điểm b, khoản 1, Điều 92 Luật Thanh tra năm 2022 có sửa đổi về quyền của đối tượng thanh tra; đối tượng thanh tra ngoài quyền được “khiếu nại về quyết định, hành vi của người tiến hành thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại”, thì được “kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác”. Đây là điểm mới, đối tượng thanh tra không có quyền “khiếu nại về kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác” theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 57 Luật Thanh tra năm 2010.

- Tại Điều 94 có quy định về khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác so với Luật Thanh tra năm 2010: cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra và quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác.

11. Bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước:

- Thêm nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra: Theo Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022, ngoài nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước thì các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

- Đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin

Tại Điều 113 Luật Thanh tra 2022, bên cạnh các chính sách đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và các phương tiện khác, Nhà nước sẽ tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thanh tra; xây dựng chuẩn mực thanh tra để bảo đảm cho hoạt động thanh tra chất lượng, hiệu quả, khả thi, đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Đối với các cơ quan thanh tra thuộc Bộ, thuộc UBND tỉnh thì Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để tăng cường hoạt động thanh tra và thúc đẩy hoạt động thanh tra theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

12. Phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (điểm mới):

Tại Chương VI Luật Thanh tra năm 2022, đã có sự quy định về sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra. Cụ thể, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước. Điểm mới này giúp xử lý các trường hợp bị chồng chéo, trùng lặp từ các khâu, các giai đoạn có mối quan hệ với nhau giữa hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước và hoạt động điều tra.

13. Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra:

Việc giám sát hoạt động động của Đoàn thanh tra đã được quy định tại Điều 98 Luật Thanh tra năm 2022 với nội dung như sau: (1) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra. (2) Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo. (3) Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.

Các nội dung trên được luật hóa dựa trên cơ sở nội dung tại Điều 30 Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, tuy nhiên giảm đi 01 nội dung (Nội dung khác khi được Người ra quyết định thanh tra giao).

14. Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra (điểm mới):

Tại Luật Thanh tra năm 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại Chương VI với 10 Điều luật liên quan. Nhưng đến Luật Thanh tra 2022, các quy định của thanh tra nhân dân đã không còn trong luật (đưa chế định “Thanh tra nhân dân” vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở).

V.M.P.


Bản in