SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Phòng chống tham nhũng (21.11.2023 14:18)

Rất ít vụ tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra nội bộ


Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ chưa nhiều chuyển biến, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra.

Article thumbnail

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: P.Thắng

Quốc hội dành 1 ngày (21/11) để thảo luận về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng năm 2023.

Làm rõ, quy trách nhiệm của người đứng đầu

Trình bày báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong khẳng định, trong năm 2023, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn.

Một trong những kết quả nổi bật là nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã phát huy hiệu quả.

Các cơ quan đã kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách, từ đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, xin từ chức.

Báo cáo cho thấy, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

Trong đó, 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (khiển trách 16 người; cảnh cáo 13 người; cách chức 13 người).

Ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vi phạm; chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có tổ chức.

“Điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn; mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước”, Tổng Thanh tra nói.

Dù vậy, theo Tổng Thanh tra, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

“Có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, ông Đoàn Hồng Phong nói.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt.

Cạnh đó, là tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm; quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung…

Một số hạn chế tồn tại nhiều năm, chậm khắc phục

Thẩm tra nội dung này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban nhận định nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện như: Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: P.Thắng

“Tuy nhiên, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; một số hạn chế đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chậm được khắc phục”, bà Nga nêu.

Cụ thể là, vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm việc thực hiện công khai, minh bạch; vi phạm việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

“Bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định vẫn còn xảy ra”, theo bà Nga.

Với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, cơ quan thẩm tra cho rằng, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh.

“Nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Dẫn chứng vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, rửa tiền xảy ra tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án Tân Việt Phát 2, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận… 

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, theo Ủy ban Pháp luật, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế. Một số vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can, chờ kết quả giám định, định giá tài sản… làm ảnh hưởng tới tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng.

Cơ bản nhất trí với những đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, cơ quan thẩm tra còn lưu ý, công tác phòng chống tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt, tác dụng răn đe, phòng ngừa, giáo dục sau thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan chức năng còn có những hạn chế.

“Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu một số cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực chưa cao”, theo Ủy ban Tư pháp.

Vì vậy cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu… siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ.

theo thanhtra.com.vn


Bản in