SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Chuyển đổi số (11.01.2024 08:11)

Tiếp dân trực tuyến “3 mặt 1 lời”, chỉ đạo giải quyết khiếu kiện thông suốt


(Thanh tra) - Thanh tra Chính phủ vừa ban hành quyết định thí điểm mô hình tiếp công dân trực tuyến của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, tổ chức tiếp công dân trực tuyến phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh…

Article thumbnail

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: H.G

Tiết kiệm chi phí, hạn chế khiếu kiện đông người

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho hay, khi triển khai tiếp công dân trực tuyến thì sự chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh được thông suốt.

“Người dân không mất sức, tiền của tới Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để khiếu nại, phản ánh, kiến nghị. Như vậy, vừa hạn chế tối đa khiếu kiện đông người, vượt cấp, vừa đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ quan Trung ương.

Quan trọng, khi tiếp dân trực tuyến “3 mặt 1 lời”, sự chỉ đạo được thông suốt, công dân không thể nói khác, chính quyền địa phương không thể nói khác”, ông Điệp nhấn mạnh.

Cạnh đó, qua tiếp dân trực tuyến, cơ quan cấp trên sẽ giám sát được việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết vụ việc khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của cấp dưới.

“Địa phương nào, chủ tịch, phó chủ tịch không nắm được nội dung, thông tin vụ việc sẽ biết ngay và người dân sẽ đánh giá được ngay”, theo lời ông Điệp.

Để triển khai thí điểm mô hình tiếp công dân trực tuyến hiệu quả, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương nhấn mạnh sự cầu thị của các địa phương.

Theo ông Điệp, nếu có đoàn đông người, các địa phương cần liên hệ để kết nối mời các cơ quan ở Trung ương tham gia tiếp dân cùng. Ngược lại, khi người dân đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, mà trụ sở đề nghị thì các địa phương phải sẵn sàng kết nối.

“Tôi tin rằng, không địa phương nào không mong muốn thí điểm mô hình tiếp công dân trực tuyến. Bởi khi thực hiện sẽ đem lại hiệu quả trong giải quyết khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của người dân”, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương nhận định.

Theo quyết định của Thanh tra Chính phủ, tổ chức tiếp công dân trực tuyến phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về tiếp công dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh.

Tiếp công dân trực tuyến có giá trị pháp lý như tiếp công dân trực tiếp; thực hiện trong trường hợp xã hội có dịch bệnh; phục vụ tiếp các vụ việc phức tạp cần nhiều cấp cơ quan tham gia nhưng cách xa nhau về vị trí địa lý; phục vụ tiếp công dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu theo quy định nhưng vì lý do khách quan không thể tiếp công dân trực tiếp. 

Tiếp công dân trực tuyến có giá trị pháp lý như tiếp công dân trực tiếp. Ảnh: T.H 

5 loại vụ việc, đối tượng tiếp trực tuyến

Quyết định của Thanh tra Chính phủ cũng quy định rõ các loại vụ việc, đối tượng thực hiện tiếp công dân trực tuyến.

Đầu tiên là các vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, nhưng trong quá trình thực hiện gặp khó khǎn, vướng mắc, công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, phản ánh, kiến nghị, có nguy cơ gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Thứ hai, vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh đã được cơ quan hành chính giải quyết đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, kiến nghị, phản ánh vượt cấp, có nguy cơ gây mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Thứ ba, các vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều địa phương hoặc tại các vùng, địa bàn miền núi đi lại khó khǎn, gây lãng phí, tốn kém cho cá nhân, tổ chức.

Thứ tư, các đoàn công dân khiếu nại, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp, kéo dài nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật vượt cấp lên Trung ương.

Thứ năm, các đoàn công dân khiếu nại, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp, các vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh phức tạp, kéo dài đã được giải quyết hết thẩm quyền nhưng có những nội dung cần xin ý kiến tham gia của các cơ quan có liên quan.

Ngoài ra, còn các vụ việc khác khi cần thiết, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cho hay.

Bắt đầu thử nghiệm tiếp dân trực tuyến từ tháng 2

Trụ sở Tiếp công dân Trung ương là địa điểm chính tổ chức tiếp công dân trực tuyến đối với các vụ việc đông người, phức tạp, vượt cấp lên Trung ương, cần sự phối hợp của các cơ quan Trung ương và địa phương; tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.

Trụ sở tiếp công dân của bộ, ngành là địa điểm tổ chức tiếp công dân trực tuyến đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành nhưng cần sự phối hợp của Thanh tra Chính phủ hoặc UBND các cấp; tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo bộ, ngành.

Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh là địa điểm tổ chức tiếp công dân trực tuyến đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh nhưng cần sự phối hợp của các cơ quan Trung ương tham gia; các vụ việc đông người, phức tạp, vượt cấp lên cấp tỉnh; tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Trụ sở tiếp công dân cấp huyện là địa điểm tổ chức tiếp công dân trực tuyến đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện nhưng cần sự phối hợp tham gia của các cơ quan cấp tỉnh; tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Theo kế hoạch, trong tháng 1 này, Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ phối hợp với các đơn vị của Thanh tra Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về tổ chức tiếp công dân trực tuyến.

Từ tháng 2, Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ đôn đốc các bộ, ngành, UBND các tỉnh tích cực tham gia, thử nghiệm tiếp công dân trực tuyến. Giai đoạn 2025 -2026, sẽ nâng cấp nǎng lực hệ thống chuyên dụng và triển khai hệ thống chuyên dùng.

Luật sư, luật gia tư vấn miễn phí tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương

Ông Nguyễn Hồng Điệp cũng cho biết, tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, không chỉ luật sư mà cả luật gia cũng tham gia tư vấn miễn phí. Họ không chỉ tư vấn miễn phí tại trụ sở ở Hà Nội, mà cả tại trụ sở ở TP HCM.

“Kết quả, không có đoàn đông người ùn ùn lên Trung ương như ngày xưa”, ông Nguyễn Hồng Điệp cho hay, khi luật sư, luật gia tham gia tư vấn miễn phí cho người dân, áp lực lên Trụ sở Tiếp công dân Trung ương giảm rõ rệt.

Cán bộ tiếp công dân trách nhiệm, giải thích đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, lại có sự tư vấn miễn phí của luật sư, luật gia, người dân tin tưởng, có người chấp hành quyết định có hiệu lực, không khiếu nại, tố cáo nữa.

“Luật sư, luật gia thực sự công tâm, khách quan khi tư vấn miễn phí, không chỉ tư vấn cho người dân, mà tư vấn cho cả chính quyền, thì chắc chắn sẽ góp phần giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tốt hơn rất nhiều”, theo Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương. 

 

theo thanhtra.com.vn


Bản in