Ngày 13/2, thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, một số đại biểu Quốc hội đề cập đến hoạt động thanh tra chuyên ngành, cũng như việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ quan thanh tra trên cả nước.
Liên quan đến sắp xếp, tổ chức lại hệ thống thanh tra, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đây là vấn đề Bộ Chính trị chưa quyết vì phải cân nhắc.

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: P.Thắng
“Các đồng chí thanh tra nói đúng là hệ thống hoạt động thanh tra không hiệu quả. Bây giờ, nếu mà nói Thanh tra Chính phủ chỉ có 400 người nhưng năng suất, hiệu quả làm việc so với toàn bộ hệ thống thanh tra còn lại gấp hơn 1 nghìn lần, thế thì làm sao được? Nếu để thanh tra chuyên ngành, thanh tra chính quyền cơ sở thì phải có biện pháp gì đó”, Tổng Bí thư nêu.
Theo Tổng Bí thư, không phải khi có việc thì thanh tra xuống làm, cuối cùng cũng phát hiện ra nhưng lại “phạt rồi cho tồn tại”. “Thanh tra đâu phải làm việc đó, mà phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm được cái gì đó”, ông nói.
Tổng Bí thư cho hay, có ý kiến nói lãnh đạo mà không có thanh tra, kiểm tra thì quản lý thế nào? “Không có thanh tra nhưng vẫn có quyền kiểm tra, đánh giá”, ông nêu rõ, thanh tra không phải bộ máy hành chính để thỉnh thoảng đến làm việc nọ, việc kia.
Nêu rõ “chúng ta phải nâng cao hiệu quả thanh tra chuyên ngành, nhưng bộ máy nào cũng có như thế cũng không được”, Tổng Bí thư đề cập đến thanh tra ngành giáo dục hiện có mấy nghìn người, mà “nuôi” bộ máy này cũng là vấn đề.
“Chúng tôi sẽ tính việc này với mức độ để làm sao đáp ứng yêu cầu, hiệu quả, phải thực sự thiết thực, thực sự phục vụ Nhân dân. Không phải để bộ máy này đi làm, thỉnh thoảng xuống dọa nạt chỗ này, chỗ kia là không được. Vì vậy, phải cải cách, phải nhìn thẳng vào thực tế để tính toán”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành kết luận của Ban Chấp hành Trung ương tổng kết Nghị quyết số 18 về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại kết luận này nêu rõ, Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức lại hệ thống thanh tra trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Thanh tra Chính phủ và hệ thống các cơ quan thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành hiện nay.
Trong phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ vào ngày 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra phải đặt lợi ích của đất nước, của Nhân dân lên trên hết.
Việc sắp xếp hệ thống thanh tra cũng phải bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18, bảo đảm mục tiêu giảm đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra; có kế thừa và đổi mới, cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn theo 2 cấp (Trung ương và cấp tỉnh).
Thủ tướng quán triệt, sắp xếp, tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra cốt lõi là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tổ chức, phân định rõ ràng chức năng, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, đảng viên, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm yêu cầu công tác.
Băn khoăn quy định về kết luận thanh tra khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy
Tán thành ban hành Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) còn bày tỏ băn khoăn quy định về thực hiện chức năng thanh tra.
Bà dẫn lại quy định của dự thảo nghị quyết về kết luận thanh tra: “Trường hợp cuộc thanh tra đang tiến hành hoặc đã kết thúc nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra có nội dung thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của nhiều cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì Trưởng đoàn thanh tra xây dựng các dự thảo kết luận, báo cáo Thủ trưởng cơ quan có chức năng thanh tra tương ứng với phạm vi quản lý nhà nước ban hành kết luận thanh tra”.
“Với các cuộc thanh tra đã kết thúc thì quy định trên được, nhưng các cuộc thanh tra đang tiến hành dở dang, mà sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy mà vẫn giao trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thì không ổn chút nào”, bà Nguyệt nêu ý kiến.
Từ đó, bà đề xuất quy định rõ, khi đoàn thanh tra có thay đổi do sắp xếp tổ chức bộ máy thì phải kiện toàn lại đoàn thanh tra, sau đó trường đoàn thanh tra mới sẽ xây dựng dự thảo kết luận thanh tra.
Về việc sử dụng con dấu, dự thảo nghị quyết quy định “cơ quan, chức danh có thẩm quyền có thay đổi sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, thu hồi con dấu theo quy định của pháp luật”. Quy định này, cần tinh toán thêm, theo bà Nguyệt.
Đại biểu đoàn Đắk Lắk đặt vấn đề: trong thời gian chờ đợi khắc con dấu mới, có trường hợp khẩn cấp thì sử dụng con dấu nào? Sử dụng con dấu cũ hay chờ đợi con dấu mới? Đấy là vấn đề dự thảo nghị quyết không đề cập.
https://thanhtra.com.vn/doi-noi-52FA82FBF/tong-bi-thu-noi-ve-sap-xep-to-chuc-lai-he-thong-thanh-tra-230c4c390.html
Bản in