Nhằm nâng cao nhận thức về các phương thức lừa đảo trực tuyến, giải pháp bảo mật an toàn, an ninh khi tham gia các giao dịch, chia sẻ thông tin trên môi trường mạng, ngày 31/7/2024, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Thanh tra tỉnh ban hành Công văn số 684/TTr-VP về việc khuyến cáo công chức, người lao động triển khai các giải pháp bảo mật tài khoản, chia sẻ thông tin, nhận biết và phòng tránh lừa đảo trực tuyến, cụ thể:
1. Về bảo mật tài khoản
- Để bảo mật tài khoản, người dùng nên sử dụng mật khẩu phức tạp có ít nhất 8 ký tự, gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt; xác thực 2 bước; cập nhật phần mềm bảo mật cho thiết bị; dùng mật khẩu khác nhau cho tài khoản tại các trang web, ứng dụng; sử dụng phần mềm quản lý mật khẩu đáng tin cậy.
- Người dùng có thể tham khảo mẹo đặt mật khẩu phức tạp và dễ nhớ: sử dụng một câu nói hoặc tên 1 bài hát…, dùng chữ cái đầu tiên của mỗi chữ trong câu, chọn một chữ cái trong đó để viết hoa, thêm số, thêm ký tự đặc biệt vào đầu, hoặc cuối chuỗi chữ cái. Ví dụ mật khẩu được tạo từ quy tắc trên cho câu “Năm Anh em trên một chiếc xe tăng” là “5Aetmcxt#”.
- Không nên đặt mật khẩu đơn giản, dễ nhớ như họ tên, ngày sinh hay dãy số như 11111111, hay 0123456789…; Chia sẻ thông tin đăng nhập, mật khẩu cho người khác hoặc ở nơi dễ nhìn thấy; Truy cập trang web không tin cậy.
2. Chia sẻ thông tin
- Chia sẻ trực tuyến là hình thức phổ biến và chiếm đa số, do hình thức này thuận tiện, nhanh chóng, dễ dàng chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, để các chia sẻ này mang đến hiệu quả tích cực, mỗi người cần sáng suốt đánh giá về thông tin mình muốn chia sẻ, đối tượng nhận chia sẻ và cách thức chia sẻ.
- Các thông tin có thể định danh cá nhân như họ tên, email, số hình ảnh bản thân, người thân hay tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã pin, OTP… cần rất thận trọng ngay cả khi chia sẻ với người thân, bạn bè để tránh bị khai thác, lợi dụng để lừa đảo.
3. Phòng tránh lừa đảo trực tuyến
- Theo Cẩm nang Cẩm nang an toàn trực tuyến, có 9 cách thức lừa đảo trực tuyến gồm:
(1) Giả danh cơ quan pháp luật để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp với lý do phục vụ công tác điều tra;
(2) Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cung cấp phần mềm rồi lấy thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân;
(3) Mạo danh bảo hiểm xã hội thông báo nạn nhân đang nợ tiền hoặc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, yêu cầu nạn nhân đóng phí để chiếm đoạt;
(4) Hack Facebook, Zalo… chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản hoặc giả danh người trong video (sử dụng công nghệ deepfake giả hình ảnh, giọng nói) nhắn tin cho bạn bè người thân hỏi mượn tiền;
(5) Giả danh nhân viên y tế gọi điện thoại thông báo người thân đang nằm viện cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền ngay để mổ gấp;
(6) Lừa đảo “Combo du lịch giá rẻ” quảng cáo tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ để chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc lấy lý do thông tin kê khai không đầy đủ, chiếm đoạt tiền làm thủ tục visa;
(7) Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng, giả danh người thu hồi nợ để yêu cầu trả lại số tiền kèm lãi suất cao;
(8) Đánh cắp thông tin căn cước công dân để đăng ký mã số thuế ảo, vay tiền từ các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội và lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
(9) Lấy cắp thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản bằng cách gửi đường link lừa đảo và phần mềm độc hại như quảng cáo, cảnh báo virus.
- Đề phòng tránh bị lừa đảo trực tuyến, công chức người lao động cần nắm rõ nguyên tắc “3 Nên và 3 Không nên”, cụ thể:
+ 03 Nên gồm: (1) Nên “Chậm lại” dành thời gian suy nghĩ và đặt câu hỏi để tránh bị dồn vào tình huống xấu vì những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của người dùng; (2) Nên “Kiểm tra tại chỗ” để xác thực thông tin nhận được, nếu người dùng nhận được một cuộc gọi không mong muốn, cần tra cứu số điện thoại của cơ quan, tổ chức gọi đến và liên hệ lại trực tiếp; (3) Nên “Dừng lại! Không gửi” thanh toán vì không một cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức nào yêu cầu thanh toán ngay tại chỗ, nếu cảm thấy giao dịch này không đáng tin người dùng hãy dừng lại vì nó có thể là lừa đảo.
+ 03 Không nên gồm: (1) Không nên “cung cấp thông tin” cá nhân, tài khoản hoặc mật khẩu trực tiếp qua email, tin nhắn SMS hoặc điện thoại; (2) Không nên “thực hiện chuyển tiền” trước khi xác nhận trực tiếp với người thân, bạn bè; (3) Không nên “mở các tệp đính kèm” từ các email lạ, tin nhắn mạng xã hội.
- Nếu phát hiện bị lừa đảo, người dùng cần thực hiện các bước sau:
(1) Dừng gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo.
(2) Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng, tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu dừng mọi giao dịch.
(3) Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.
(4) Cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng.
4. Đối với các giao dịch qua ngân hàng
- Tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các ngân hàng cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến, đăng ký nhận tin thông báo thay đổi số dư giao dịch.
- Đối với mật khẩu truy cập dịch vụ giao dịch trực tuyến cần đặt mật khẩu khó đoán, đảm bảo quy tắc an toàn, thay đổi mật khẩu thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động.
- Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực (mã OTP) qua điện thoại, email, mạng xã hội, web… cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
- Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ Tên đăng nhập/Mật khẩu cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời; trường hợp mất thẻ cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc thông báo tới ngân hàng càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ mất tiền trong thẻ.
- Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử. Gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn, chỉ đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng.
- Chỉ cài đặt các ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play và App Store. Khi cài đặt ứng dụng vào thiết bị cần kiểm tra thông tin nhà phát triển ứng dụng, xem xét kỹ quyền hạn của các ứng dụng. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành của thiết bị để thiết bị nhận được các bản vá bảo mật mới nhất của hãng sản xuất.
- Tiến hành mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng. Chủ động giữ gìn, bảo mật các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản. Thường xuyên theo dõi, cập nhật các cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ các ngân hàng cung cấp dịch vụ, từ các phương tiện truyền thông đại chúng.
Văn phòng
Bản in