SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Tin tức khiếu nại tố cáo (25.09.2021 09:19)

Xây dựng kế hoạch tiếp dân cụ thể trong tình hình mới


 Đó là yêu cầu của Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm tại buổi làm việc giữa Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình với Ban Tiếp công dân Trung ương (TƯ) vào ngày 24/9.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH

Khiếu kiện của công dân giảm rõ rệt do Covid-19

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ cho biết, trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tình trạng một số đoàn đông người và công dân khiếu kiện dài ngày của một số địa phương khiếu kiện vượt cấp lên TƯ, tập trung tại khu vực trung tâm TP Hà Nội, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước… căng băng rôn, khẩu hiệu nhằm gây áp lực yêu cầu được giải quyết gây mất an ninh trật tự còn diễn ra; vẫn còn một số công dân có thái độ, hành vi quá khích, không hợp tác với cán bộ tiếp dân, gây mất an ninh trật tự tại Trụ sở; một số đối tượng thường xuyên đeo bám, có hành vi xúi giục, lôi kéo công dân đến Trụ sở Tiếp công dân TƯ để khiếu kiện.

Khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, tình hình khiếu kiện của công dân giảm rõ rệt, không có tình trạng công dân tập trung đông người tại trung tâm thành phố; tình hình an ninh, trật tự ổn định, không có tình huống phức tạp xảy ra.

Ông Điệp cho biết, trong thời gian qua, Trụ sở đã làm tốt công tốt công tác tham mưu cho Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành các văn bản để chỉ đạo về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và các kỳ họp của TƯ và Quốc hội, đảm bảo an toàn và thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp; tổ chức tốt hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở; đảm bảo tất cả các công dân đến được tiếp, hướng dẫn đúng quy định; xử lý kịp thời, đúng quy định đến thư gửi đến TTCP và gửi đến Trụ sở.

Trong 9 tháng qua, Trụ sở đã tiếp thường xuyên 1.563 lượt với 4.127  lượt công dân đến trình bày 1.366 vụ việc; 134 đoàn đông người. So với cùng kỳ năm 2020, số lượt tiếp giảm 37,3%; số lượt người giảm 53,2%; số vụ việc giảm  22,7%. Trong đó TTCP tiếp 1.152 lượt, chiếm 73,7%.

Xử lý được 7.328 đơn của công dân gửi đến TTCP và Trụ sở Tiếp công dân TƯ, trong đó có 2.406 đơn đủ điều kiện xử lý ban hành các văn bản theo thẩm quyền, chiếm 32,8%. So với cùng kỳ năm 2020, số đơn đã xử lý giảm 26,8%; phối hợp tốt với Ban Dân nguyện trong việc xử lý đơn, thư của công dân, tổ chức gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội….

Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ cho biết, trong thời gian tới có thể sẽ phát sinh các khiếu kiện liên quan việc hỗ trợ dịch Covid-19. Ảnh: TH

Có thể sẽ phát sinh các khiếu kiện liên quan đến việc hỗ trợ dịch Covid-19

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Điệp cũng thẳng thắn nêu ra một số khó khăn trong quá trình thực hiện công tác như: công tác nắm tình hình khiếu kiện ở địa phương, công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện thường xuyên; việc phản hồi của các cơ quan, địa phương trong quá trình giải quyết vụ việc công dân khiếu kiện tại Trụ sở còn hạn chế gây khó khăn cho việc tiếp và trả lời công dân; nhiều địa phương, bộ ngành chưa cập nhật đầy đủ thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tình tình khiếu nại, tố cáo nên việc tra cứu thông tin về quá trình giải quyết vụ việc ở địa phương để hướng dẫn và trả lời công dân chưa tiện.

Dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, theo ông Điệp, nếu dịch bệnh được kiểm soát, tình hình khiếu kiện sẽ tăng đột biến, các công dân sẽ tiếp tục quay trở lại để khiếu kiện, phát sinh khiếu kiện mới trong quá trình các địa phương triển khai thực hiện các dự án để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Khiếu kiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, đặc biệt là đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án ở địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang…

“Các vụ việc vượt cấp lên TƯ sẽ là những vụ việc phức tạp, đã được các cấp, các ngành giải quyết và kiểm tra, rà soát, nhiều vụ việc Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giải quyết. Đồng thời, tình trạng công dân không đồng ý nội dung giải quyết đơn thư khiếu nại chuyển sang tố cáo người có thẩm quyền giải quyết trong thời gian tới sẽ tăng”, ông Điệp cho biết.

Mặt khác, hiện nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện chính sách, chế độ cho người lao động không kịp thời và đầy đủ dễ dẫn đến phát sinh việc khiếu nại, tố cáo của người lao động. Do đó, theo ông Điệp trong thời gian tới có thể sẽ phát sinh các khiếu kiện liên quan đến công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19 nếu không được thực hiện đúng.

Phó Tổng Thanh tra yêu cầu, khi vãn dịch, Trụ sở cần xây dựng kế hoạch tiếp dân cụ thể. Ảnh: TH

Tiếp tục phối hợp tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, Trụ sở Tiếp công dân TƯ đã điều hòa tốt hoạt động tiếp công dân của các cơ quan tham gia tiếp tại Trụ sở, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình tiếp công dân, nhất  là tiếp công dân diễn ra trong thời gian các kỳ họp của TƯ Đảng và Quốc hội. Đã có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được tiếp và hướng dẫn với sự tham gia của nhiều cơ quan tiếp dân tại Trụ sở.

“Đặc biệt, Ban Tiếp công dân TƯ đã phối hợp tốt và có hiệu quả với Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp các đoàn khiếu kiện đông người. Công tác phối hợp trong việc tổng hợp, báo cáo hàng ngày, báo cáo phục vụ các kỳ họp của TƯ và Quốc hội được thực hiện thường xuyên và kịp thời”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Ban cũng thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với đơn vị chức năng và các địa phương để vận động và thuyết phục công dân trở về địa phương; đảm bảo an ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ, xử lý kịp thời khi có tình huống phát sinh, không để xảy ra diễn biến xấu, nhất là các trường hợp công dân khiếu kiện lưu trú dài ngày tại Trụ sở thường xuyên tổ chức di chuyển ra trung tâm thành phố.

Ngoài ra, các cơ quan TƯ đã tăng cường bố trí cán bộ, công chức tiếp công dân trực thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ trong thời gian trước, trong và sau Đại hội Đảng XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; phối hợp với lực lượng bảo vệ Trụ sở Tiếp công dân TƯ thực hiện nghiêm túc các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19 cho cán bộ, công chức tiếp công dân và người dân đến khiếu kiện tại Trụ sở.

Phó Tổng Thanh tra yêu cầu, năm 2021 mặc dù công tác tiếp dân có giảm, công dân ít đến Trụ sở khiếu nại do dịch Covid-19, việc đi lại giữa các địa phương hạn chế, nhưng Trụ sở Tiếp công dân TƯ vẫn thường xuyên xử lý các đơn thư của công dân gửi đến. Do đó, khi dịch Covid-19 vãn, Ban Tiếp công dân TƯ cần xây dựng kế hoạch cụ thể để ứng phó với  tình hình khiếu kiện của công dân như dự báo đưa ra. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp tiếp dân giữa các cơ quan tiếp dân tại Trụ sở.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình mong muốn Ban Dân nguyện Quốc hội, Ban Tiếp công dân TƯ và các cơ quan tiếp công dân tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh: TH

Cũng tại buổi làm việc, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong công các tiếp dân của các cơ quan tiếp dân tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ trong thời gian qua, đặc biệt là ghi nhận sự đóng góp và sự phối hợp của 2 cơ quan là Ban Tiếp công dân TƯ và Ban Dân nguyện Quốc hội. 

Trong thời gian tới, dự báo do ảnh hưởng của Covid-19 nên tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ phức tạp, khó lường, nhiều nội dung mới, trong đó có nội dung liên quan đến công tác hỗ trợ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, Trưởng Ban Dân nguyện yêu cầu, Trụ sở cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân, đảm bảo các công dân đến Trụ sở đều được tiếp, hướng dẫn theo quy định, xử lý kịp thời các đơn, thư của công dân hợp tình, hợp lý; phối hợp chặt chẽ giữa Trụ sở Tiếp công dân TƯ với địa phương để nắm tình hình khiếu kiện của công dân, tuyên truyền vận động công dân trở về địa phương đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự tại Thủ đô trong thời gian diễn ra các kỳ họp của TƯ và Quốc hội và đảm bảo an toàn cho người dân và cán bộ tiếp dân trong tình hình Covid-19 đang diễn ra phức tạp.

Trưởng Ban Dân nguyện cũng mong muốn Ban Dân nguyện Quốc hội, Ban Tiếp công dân TƯ và các cơ quan tiếp công dân tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

theo thanhtra.com.vn


Bản in