SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Thanh tra (09.11.2021 08:27)

Hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông


Thực hiện Định hướng chương trình thanh tra năm 2022 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý theo Văn bản số 3278/VPCP-V.I ngày 22/10/2021 của Văn phòng Chính phủ, Công văn số 1889/TTCP-KHTH ngày 26/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022, Thanh tra tỉnh Đăk Nông đã ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức Thanh tra trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022.

 

Mục tiêu, yêu cầu của kế hoạch thanh tra năm 2022 là tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương (thanh tra hành chính) trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở, ngành (thanh tra chuyên ngành); nội dung thanh tra tập trung vào các ngành, lĩnh vực và các vụ việc có đơn thư phản ánh, dư luận có ý kiến. Bên cạnh thanh tra kế hoạch, cần chú trọng thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; quan tâm nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Về nội dung, nhiệm vụ công tác thanh tra trong năm 2022: Thanh tra tỉnh tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố, tập trung vào một số nội dung, lĩnh vực Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo và dư luận có nhiều ý kiến; thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit test xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Giám đốc sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khi cần thiết.

 

Đối với Thanh tra các sở, ngành, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn, thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc Sở, ngành; thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, tập trung vào các lĩnh vực, nội dung: đất đai; môi trường, khoáng sản; tài chính, kế toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; an toàn và môi trường công nghiệp; quy hoạch xây dựng; quản lý chất lượng công trình xây dựng; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; công tác phòng chống dịch, an toàn tiêm phòng vaccine Covid-19; chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số; lĩnh vực công chứng; bán đấu giá tài sản…                          

 

 

Kế hoạch thanh tra 2022 tập trung thanh tra một số lĩnh vực dư luận có nhiều ý kiến, trong đó có lĩnh vực hoạt động khoáng sản

 

Đối với Thanh tra các huyện, thành phố, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, tập trung thanh tra một số nội dung, lĩnh vực: đất đai; quản lý, sử dụng ngân sách; mua sắm, quản lý tài sản công; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…; thanh tra việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Chủ tịch UBND cấp xã…

 

Về nhiệm vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân, công khai kết quả tiếp công dân trên trang thông tin điện tử. Giải quyết kịp thời, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, giải quyết căn bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài nhằm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bố trí cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.

 

Về nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng: triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; các Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chú ý những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước; tăng cường kiểm tra nội bộ để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch thanh tra năm 2022 cần linh hoạt, sáng tạo, vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

V.M.P.


Bản in