(Thanh tra) - Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho hay, trong các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, có những vụ Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng tỉnh, thành phố vẫn chưa giải quyết được.
Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm. Ảnh: Đ.X
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 6 (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác Dân nguyện tháng 11 của Quốc hội ngày 21/12.
Một trong những vấn đề được cho ý kiến là tình hình và kết quả tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngừng giãn cách xã hội thì khiếu nại, tố cáo gia tăng
Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước có chiều hướng gia tăng khi các địa phương ngừng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, thực hiện các biện pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19.
“Số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo có nhiều hơn so với tháng trước nhưng còn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước khi dịch COVID -19”, ông Bình nói.
Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài đã được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện có hiệu quả.
|
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh: Đ.X |
Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nhất là các địa phương tiềm ẩn nguy cơ phát sinh thành “điểm nóng” về khiếu kiện.
Qua rà soát, cơ quan hành chính các cấp đã lập danh sách 1.003 vụ việc để rà soát và đến nay đã thực hiện rà soát xong 891 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,83%, trong đó, có 716 vụ việc thuộc trách nhiệm của các địa phương đã được các địa phương rà soát xong 686 vụ việc đạt tỷ lệ 95,81%.
Đề nghị có hướng dẫn tiếp công dân trực tuyến
Ông Bình nhấn mạnh, công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, thường xuyên theo dõi, rà soát kết quả giải quyết đơn của cơ quan có thẩm quyền.
Do tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức tiếp công dân của các đoàn đại biểu Quốc hội bị ảnh hưởng, số buổi tiếp công dân của các đoàn không thực hiện được như chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Thậm chí nhiều đoàn vẫn phải tạm dừng không tổ chức tiếp công dân trực tiếp hoặc công dân không trực tiếp đến nơi tiếp dân để gửi đơn yêu cầu, trình bày, phản ánh.
|
Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Đ.X |
Nêu ý kiến, Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng ý dịch bệnh làm ảnh hưởng đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ đó, bà đề nghị, có hướng dẫn tiếp công dân trực tuyến.
“Chúng ta có hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến thì tiếp công dân cũng nên có hướng dẫn thực hiện hình thức này”, bà Thanh nói.
Đôn đốc, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo
Quan tâm đến giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo bà Thanh, điều quan trọng là “kết quả cuối cùng”. “Các bộ, ngành, địa phương đã chuyển đơn, trả lời thì kết quả cuối cùng là gì, hay người dân vẫn khiếu tố tiếp”, Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.
Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho hay, hiện Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục tích cực đôn đốc, rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Ông đề nghị, giám sát cụ thể những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài để giải quyết dứt điểm.
“Trong các vụ tồn đọng, phức tạp, kéo dài, có những vụ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rồi nhưng tỉnh, thành phố vẫn chưa giải quyết được. Với những vụ này cần tăng cường giám sát thì chắc chắn sẽ giải quyết dứt điểm”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: Đ.X |
Chốt lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện rà soát các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài để tham gia, phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Dân nguyện đôn đốc Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội tăng cường giám sát xử lý đơn thư, kịp thời ban hành văn bản đôn đốc với những trường hợp quá thời hạn, cơ quan có thẩm quyền chậm giải quyết.
theo thanhtra.com.vn
Bản in