SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Tin nổi bật (22.05.2023 10:49)

Quốc hội họp riêng công tác nhân sự ngay trong ngày đầu kỳ họp


(Thanh tra) - Quốc hội sẽ có phiên họp riêng về công tác nhân sự ngay trong ngày khai mạc kỳ họp 5. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ bầu Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Toàn cảnh kỳ họp Quốc hội bất thường lần 2. Ảnh: P.Thắng

Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc tại Nhà Quốc hội sáng nay (22/5) và dự kiến diễn ra đến cuối tháng 6, chia làm 2 đợt.

Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, sau nghi lễ khai mạc, Quốc hội sẽ nghe lãnh đạo Chính phủ trình bày Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2023.

Báo cáo thẩm tra nội dung này sẽ được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày.

Sau đó, theo thông lệ, Quốc hội tiếp tục nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đáng chú ý, ngay trong ngày đầu kỳ họp, Quốc hội có phiên họp riêng về công tác nhân sự.

Dự kiến, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình thủ tục cho thôi làm đại biểu Quốc hội, miễn nhiệm các chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đối với ông Nguyễn Phú Cường.

Sau đó, tiến hành quy trình bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách thay thế ông Nguyễn Phú Cường.

Quốc hội cũng sẽ xem xét đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện vẫn do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiêm nhiệm. Trước đó, tại kỳ họp bất thường lần 2 đầu tháng 1, Quốc hội đã phê chuẩn chức danh Phó Thủ tướng đối với ông Trần Hồng Hà.

Công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên phương tiện thông tin đại chúng

Tại kỳ họp lần này, khối lượng công việc là rất nặng nề, cả về xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của quốc gia. Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 8 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.

Một trong những nghị quyết sẽ được bàn và dự kiến thông qua tại kỳ họp 5 này là Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 để chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp 6, vào cuối tháng 10 năm nay.

Điểm mới của dự thảo nghị quyết, theo Văn phòng Quốc hội, là sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định số 96 của Bộ Chính trị.

Thể chế các nội dung của Quy định số 96 về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; sửa đổi, bổ sung về hệ quả bỏ phiếu tín nhiệm cho phù hợp với hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

“Dự thảo nghị quyết cũng bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng”, Văn phòng Quốc hội thông tin.

Cũng theo dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia; tiến hành giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn…

5 thành viên Chính phủ vào danh sách lấy ý kiến trả lời chất vấn

Liên quan đến vấn đề chất vấn tại kỳ họp 5, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, lựa chọn 4 trong số 5 nhóm vấn đề. Việc xin ý kiến tại kỳ họp này được tiến hành sớm hơn nhiều các kỳ họp trước.

Nhóm vấn đề 1 (lĩnh vực khoa học và công nghệ) gồm các nội dung như: Chiến lược Phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ…

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề 2 (lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp) gồm các nội dung như: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ…

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; bộ trưởng các bộ: Tài chính; Thông tin và Truyền thông; Nội vụ; Giáo dục và Đào tạo; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Viện trưởng Viện KSND Tối cao; Chánh án TAND Tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề 3 (lĩnh vực dân tộc) gồm các nội dung như: Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030)…

Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông - Vận tải; Xây dựng; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề 4 (lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội) gồm các nội dung chính như thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng…

Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề 5 (lĩnh vực giao thông vận tải) gồm các nội dung chính như: Trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa…

Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Công an; Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Theo chương trình dự kiến của kỳ họp thứ năm của Quốc hội, hoạt động chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ 6/6 - sáng 8/6.

theo thanhtra.com.vn


Bản in