SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Tin tức (28.03.2021 15:21)

Thủ tướng: Cán bộ phải có sản phẩm, chứ không phải hết mùa Xuân đến mùa Đông, nước chảy bèo trôi


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Đ.X

Sáng 28/3, trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược Phát triển kinh tế- xã hội hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025).

Điểm lại một số kết quả nổi bật của nền kinh tế trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Thủ tướng cho biết, năm 2020, GDP bình quân đầu người của nước ta đạt trên 3.500 USD.

Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới và là một trong những nước có độ mở cao nhất thế giới…

Còn biểu hiện cơ chế xin - cho, tư duy nhiệm kỳ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, đó là việc thực hiện các đột phá chiến lược còn chậm, nhất là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Việc huy động nguồn lực từ đất đai còn hạn chế.

“Thất thoát đất đai của chúng ta sau 35 năm đổi mới và nhất là trong 10 năm trở lại đây còn rất lớn. Phân cấp quản lý, liên kết vùng còn hạn chế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc thống nhất. Tính thượng tôn pháp luật chưa được đề cao, kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm.

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá theo dõi thực thi công vụ, có nơi còn buông lỏng, nên có hiện tượng một số cơ quan, địa phương vi phạm pháp luật.

Thủ tướng lưu ý, phương thức lãnh đạo quản lý xã hội ở nhiều nơi, nhiều chỗ chưa thực sự phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Biểu hiện cơ chế xin - cho, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm vẫn còn.

Trong khi đó, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong nhiều trường hợp chưa cao, thiếu chặt chẽ.

Dân chủ chưa được phát huy, kỷ cương phép nước chưa nghiêm, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

“Trong khó khăn thách thức, chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Phải “lên rừng, xuống biển” trực tiếp tháo gỡ khó khăn của người dân

Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của của các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa. Xây dựng các mô hình mới, tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư khu vực và toàn cầu…

“Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao”, Thủ tướng nêu quyết tâm.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giám sát quyền lực; từng cấp, ngành, địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo quy định trong phạm vi được giao.

Cùng với đó, chú trọng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nút thắt với phương châm xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

“Anh phải lên rừng, xuống biển trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, của người dân”, Thủ tướng nói.

Có sản phẩm mới đánh giá được cán bộ tốt hay không tốt

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, “phải có sản phẩm mới đánh giá được cán bộ tốt hay không tốt, chứ không phải hết mùa Xuân đến mùa Đông, nước chảy bèo trôi, chẳng có sản phẩm gì cả, chỉ nói chung chung”.

“Tôi thấy rất mừng khi sau Đại hội lần này có rất nhiều cấp uỷ hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm, xông xáo, lo lắng đến công việc”, Thủ tướng bày tỏ.

Lưu ý đến vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, Thủ tướng đặt vấn đề, tại sao điều kiện giống nhau nhưng có địa phương phát triển rất mạnh mẽ, địa phương lại cứ “từ từ”.

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ nhận định, cán bộ, đảng viên đều có nguyện vọng đưa đất nước tiến bước. Đây là truyền thống quý, không chịu đói nghèo, không chịu tụt hậu, không chịu thua kém

"Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao, nếu không có biện pháp để tăng trưởng cao thì sẽ tụt hậu, không phát triển bền vững, nghèo, thu nhập thấp, lạc hậu", Thủ tướng nói và lưu ý, chúng ta phải đi trước đón đầu, quyết tâm chính trị cao trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu.

Kết thúc, đọc câu thơ ví von "Năm năm biết bấy nhiêu ngày - Mười lần chất vấn còn gì là Xuân", Thủ tướng đã chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ về nhiệm kỳ vừa qua với sự kỳ vọng lớn "Năm năm biết bấy nhiêu ngày - Mười lần chất vấn càng ngày càng Xuân".

3 thành tố trọng tâm trong chủ đề chiến lược

 Chủ đề Chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng nêu rõ, 3 thành tố trọng tâm trong chủ đề chiến lược gồm:

Thứ nhất, động lực và tinh thần quyết tâm: Khơi đậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại.

Thứ hai, cách thức và phương tiện chủ yếu là: Huy động mọi nguồn lực phát triển nhan và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số.

Thứ ba về mục tiêu phấn đấu: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 

theo thanhtra.com.vn


Bản in