SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Thanh tra (01.12.2020 08:56)

Luật Thanh tra còn nhiều vướng mắc


Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, hiệu quả quản lý Nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, luật cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc…

Luật Thanh tra còn nhiều vướng mắc. Ảnh: TH

Tổ chức cơ quan thanh tra dàn trải, thiếu tính thống nhất

Theo TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (TTCP), tổ chức, bộ máy các cơ quan thanh tra Nhà nước hiện nay hết sức dàn trải, phân tán và thiếu tính thống nhất. Mặc dù được tổ chức rộng khắp từ Trung ương đến địa phương nhưng hoạt động thanh tra thiếu một sự chỉ đạo điều hành thông suốt trong toàn ngành.

Các cơ quan thanh tra ở bộ, ngành, địa phương gần như hoàn toàn lệ thuộc vào cơ quan quản lý cùng cấp về tổ chức nhân sự, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan thanh tra, thanh tra viên, xây dựng thực hiện kế hoạch thanh tra và kinh phí hoạt động. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ thanh tra luôn biến động, việc xây dựng và phát triển ngành hoàn toàn bị động bởi không thể kế hoạch hóa việc đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ thanh tra giỏi nghề nghiệp và tâm huyết gắn bó với ngành.

Nhiều trường hợp chánh thanh tra được điều động phải học nghiệp vụ thanh tra từ đầu. Ngược lại, có những đồng chí làm công tác thanh tra lâu năm, có kinh nghiệm lại được điều động sang cơ quan, đơn vị khác…

Tổ chức thanh tra bộ, ngành có nhiều biến động và vượt khỏi quy định của Luật Thanh tra do nhu cầu từ thực tiễn của công tác quản lý. Sự phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giữa thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thường xuyên theo chức năng quản lý Nhà nước khiến cho hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành trở nên dày đặc, gây bức xúc cho các đối tượng thanh tra kiểm tra cũng như mối quan tâm lo lắng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.  

“Thực tế nêu trên dẫn đến việc kiểm soát các hoạt động trong toàn ngành với quy mô rộng lớn như hiện nay là hết sức khó khăn và những tiêu cực, vi phạm trong quá trình thanh tra xảy ra thời gian gần đây tại một số cơ quan thanh tra bộ, ngành, địa phương làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành”, ông Minh nhận định.

Sự phân định về phạm vi, thẩm quyền thanh tra không rõ ràng

Mặt khác, ông Minh cũng cho rằng, hoạt động thanh tra hiện nay cũng đang có nhiều bất cập. Sự phân định về phạm vi thanh tra không rõ ràng. Luật quy định cơ quan TTCP thanh tra trách nhiệm quản lý của các bộ và các tỉnh nhưng trên thực tế số cuộc thanh tra trách nhiệm không nhiều, TTCP thường tiến hành thanh tra trực tiếp về các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành.

Chẳng hạn, trong kế hoạch thanh tra có các cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật của công ty thuốc lá, công ty xổ số, việc thực hiện các đoàn công tác nước ngoài hay thanh tra việc quản lý và sử dụng đất nông lâm trường, thanh tra các công ty dược phẩm… trong khi các lĩnh vực này đã có các bộ quản lý ngành.

“Điều này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, mặt khác làm giảm trách nhiệm của các ngành trong việc chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, vốn là một yêu cầu tất yếu của cơ quan quản lý trong những lĩnh vực thuộc phạm vi mình phụ trách”, ông Minh nói.

Sự phân định thẩm quyền thanh tra giữa các cấp cũng không rõ ràng (chẳng hạn như thanh tra xây dựng Bộ Xây dựng thanh tra xuống cấp huyện trong khi đang tồn tại thanh tra sở xây dựng đã từng xảy ra gây tranh luận), dẫn đến cùng một nội dung có thể xảy ra thanh tra trùng lặp, gây khó khăn phiền hà cho đối tượng thanh tra, nhất là cho hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp, đang là mối quan tâm lo lắng của Chính phủ.

Sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động của kiểm toán Nhà nước cũng là vấn đề đã và đang tồn tại rất khó khắc phục.

Không hoàn thành kế hoạch thanh tra

Cũng theo ông Minh, một thực trạng diễn ra khá phổ biến là hiện nay tình trạng không hoàn thành kế hoạch thanh tra. Tình trạng này càng ngày càng nhiều (có năm đến hơn 60% là các cuộc thanh tra ngoài kế hoạch). Phần lớn các cuộc thanh tra ngoài kế hoạch đụng chạm đến những vụ việc phức tạp, những vụ việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, đòi hỏi sự tập trung nhiều thời gian, nhân lực của cơ quan thanh tra. Trong khi nguồn lực của cơ quan thanh tra chỉ đủ để thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Ngoài ra, các cuộc thanh tra quá thời hạn cũng khá phổ biến, từ một vài tháng đến hàng năm mà sự chậm trễ chủ yếu là ở giai đoạn ban hành kết luận thanh tra.

“Đây có thể coi là “căn bệnh kinh niên” của ngành Thanh tra, rất khó khắc phục mà nguyên nhân ngoài sự hạn chế về năng lực của các tổ chức thanh tra, chủ yếu xuất phát từ sự phụ thuộc của cơ quan thanh tra vào cơ quan quản lý, khó có thể bảo đảm tính độc lập tương đối, tính khách quan vốn là yêu cầu không thể thiếu trong hoạt động thanh tra”, ông Minh nhận định.

Một vấn đế nữa là hạn chế, bất cập trong quy định về giám sát hoạt động đoàn thanh tra và thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Việc giám sát hoạt động thanh tra là cần thiết, tuy vậy với quy định hiện hành thì việc thực hiện giám sát gặp khó khăn, nhất là ở thanh tra cấp cơ sở do số lượng biên chế có hạn, trong khi cùng thời điểm phải tổ chức nhiều đoàn thanh tra nên không đủ người làm nhiệm vụ giám sát. Do đó, việc giám sát chủ yếu chỉ thực hiện qua báo cáo của đoàn thanh tra nên khó đảm bảo tính khách quan, chính xác…

Thực tiễn cho thấy, quy định về giám sát hoạt động đoàn thanh tra chỉ phù hợp với TTCP, thanh tra bộ, ít phù hợp với thanh tra tỉnh, không phù hợp với thanh tra huyện, thanh tra sở. Bên cạnh đó việc giám sát còn mang nặng tính hình thức, thiếu thực chất và chưa hiệu quả.

Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là quan trọng và cần thiết nhằm chỉ ra những điểm bất hợp lý, đưa ra những đề xuất, kiến nghị có cơ sở, giúp người ra quyết định ban hành kết luận thanh tra chính xác, khách quan, đúng pháp luật, có tính khả thi.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định thống nhất, cụ thể về tổ chức thẩm định và quy trình thẩm định (căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, giá trị pháp lý của thẩm định, việc xử lý khi thẩm định khác với dự thảo kết luận thanh tra), nên việc thực hiện gặp vướng mắc, lúng túng, mỗi nơi làm một cách.

Ngoài ra, phần lớn các hoạt động thanh tra chuyên ngành về bản chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên đã bị “thanh tra hóa”. Thanh tra chuyên ngành hiện nay chủ yếu là nhiệm vụ phát hiện và xử lý vi phạm với đối tượng là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội để bảo đảm trật tự quản lý, trong khi đó thanh tra hành chính hướng vào việc chấn chỉnh cơ chế quản lý và bảo đảm thực hiện công vụ, sự chấp hành pháp luật trong các cơ quan Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Chính vì vậy Luật Thanh tra xác định mục đích, nguyên tắc chung cho cả hai loại hình thanh tra hành chính và chuyên ngành là điều bất hợp lý.

Chẳng hạn nguyên tắc công khai chỉ phù hợp với thanh tra hành chính mà không phù hợp với thanh tra chuyên ngành; nhiều trình tự, thủ tục khi tiến hành thanh tra không thể áp dụng giống nhau…

"Có thể nói, tổ chức và hoạt động thanh tra của bộ, ngành, trong đó có vấn đề thanh tra chuyên ngành là một trong những vấn đề vướng mắc nhất khi xây dựng các văn bản pháp luật về thanh tra cũng như khi triển khai trên thực tế kể từ Pháp lệnh Thanh tra 1990 khi tổ chức thanh tra bộ, ngành đưa vào hệ thống các cơ quan Thanh tra Nhà nước, là nguyên nhân quan trọng nhất của những khó khăn, bất cập và làm giảm hiệu quả của hoạt động thanh tra", ông Minh nhấn mạnh.

theo thanhtra.com.vn


Bản in