Cách đây 78 năm, ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt, khai sinh ra ngành Thanh tra Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trải qua 78 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều tên gọi và hình thức tổ chức, bộ máy khác nhau, ngành Thanh tra Việt Nam luôn luôn đổi mới, phát triển cùng với sự lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng và Nhà nước ta.
- Ban Thanh tra Đặc biệt (từ tháng 11/1945 đến tháng 12/1949)
Sắc lệnh số 64-SL ngày 23/11/1945 thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt là văn kiện mang tính pháp lý đầu tiên về công tác thanh tra, là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Ban Thanh tra và được cho là “viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về thanh tra”.
Sắc lệnh số 64-SL ngày 23/11/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký
- Ban Thanh tra Chính phủ (từ tháng 12/1949 đến tháng 3/1956)
Đến tháng 12 năm 1949, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị giải thể Ban Thanh tra Đặc biệt và thành lập Ban Thanh tra Chính phủ. Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138 B-SL bãi bỏ Sắc lệnh số 64-SL ngày 23/11/1945 và thành lập Ban Thanh tra trực thuộc Thủ tướng phủ. Do điều kiện chiến tranh và đặc điểm lãnh đạo, nên mặc dù đã được thành lập và có một văn phòng riêng, nhưng Ban Thanh tra Chính phủ vẫn gần như là một cơ quan chung với Ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
- Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (từ tháng 3/1956 đến tháng 9/1961)
Sau khi Cách mạng thành công ở miền Bắc, ngày 28/3/1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 261/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ. Việc thành lập Ban thanh tra ở các Bộ cần thiết và các khu, thành phố, tỉnh sẽ do nghị định của Thủ tướng Chính phủ ấn định.
- Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (từ tháng 9/1961 đến tháng 02/1984)
Đến ngày 29/9/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 136/CP quy định nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Thanh tra, thay cho Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ.
Ủy ban Thanh tra của Chính phủ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm giữ gìn kỷ luật Nhà nước bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng cách thường xuyên thanh tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách ấy trong các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính địa phương, các cơ quan chuyên môn, sự nghiệp, các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh các hợp tác xã; chỉ đạo nghiệp vụ và hướng dẫn công tác cho cơ quan thanh tra của các Ủy ban hành chính địa phương và của các Bộ.
Sau 4 năm hoạt động, đến ngày 11/10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc giải thể Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Do đó, trong 4 năm (1965-1968), hệ thống Thanh tra Nhà nước từ Trung ương đến cấp khu, tỉnh, thành phố bị giải thể, chỉ còn các Ban Thanh tra của các Bộ, ngành hoạt động.
Đến ngày 11/8/1969 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 780/NQ-TVQH về việc phê chuẩn việc sửa đổi và thành lập một số tổ chức mới trong bộ máy Nhà nước, tái thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, cơ cấu tổ chức ngành Thanh tra tiếp tục thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
- Ủy ban Thanh tra Nhà nước (từ tháng 02/1984 đến tháng 4/1990)
Ngày 15/02/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 26/HĐBT về việc tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra, trong đó còn đổi tên gọi chính thức của hệ thống thanh tra là Ủy ban Thanh tra Nhà nước.
Hệ thống tổ chức thanh tra các cấp gồm Ủy ban thanh tra Nhà nước Trung ương; Ủy ban thanh tra Nhà nước cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận, và cấp tương đương; Ban thanh tra nhân dân cấp cơ sở. Đó là một hệ thống tổ chức thanh tra được quản lý và chỉ đạo tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
Ủy ban thanh tra Nhà nước Trung ương, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng có chức năng tổ chức, quản lý và chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, tiến hành thanh tra, công tác của các ngành, các cấp; đồng thời trực tiếp quản lý và chỉ đạo cả hệ thống tổ chức thanh tra.
Ủy ban thanh tra Nhà nước tỉnh, thành phố, huyện, quận và cấp tương đương là một cấp của hệ thống thanh tra và là một bộ phận của cơ quan lãnh đạo chính quyền cùng cấp, chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban thanh tra Nhà nước cấp trên, đồng thời có trách nhiệm thi hành những nghị quyết và báo cáo kết quả hoạt động của mình trước Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
- Thanh tra Nhà nước
Trong công cuộc đổi mới (từ năm 1986) và triển khai thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (từ năm 1991) đến nay, cùng với sự ra đời của Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, Ủy ban Thanh tra Nhà nước được chuyển đổi thành một cơ cấu với tên gọi Thanh tra Nhà nước. Sau đó là Luật Thanh tra năm 2004, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022, tổ chức của ngành Thanh tra ngày càng lớn mạnh, hoạt động ổn định, hiệu quả.
Theo Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 có hiệu lực từ ngày 01/6/1990, hệ thống tổ chức thanh tra Nhà nước bao gồm: Thanh tra Nhà nước; Thanh tra Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan thuộc Hội đồng bộ trưởng; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương; Thanh tra Sở; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thanh tra Nhà nước chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng; các tổ chức thanh tra Nhà nước khác chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cùng cấp và sự chỉ đạo của tổ chức thanh tra Nhà nước cấp trên.
Theo Luật Thanh tra năm 2004 có hiệu lực từ ngày 01/10/2004, các cơ quan thanh tra Nhà nước bao gồm: Cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính là Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các cơ quan thanh tra được thành lập ở các cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực là Thanh tra bộ, cơ quan ngang Bộ, Thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, Thanh tra sở. Cơ quan thanh tra nhà nước chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ; chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ của cơ quan thanh tra cấp trên.
Theo Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/7/2011, các cơ quan thanh tra bao gồm: cơ quan thanh tra Nhà nước là Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Theo Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, hệ thống thanh tra gồm: Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính là Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định; Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực là Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương, Thanh tra sở; Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.
Ngành Thanh tra tỉnh Đắk Nông được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2004, khi tỉnh Đắk Nông được thành lập từ chia tách tỉnh Đăk Lăk (cũ). Đây là thời điểm ngành Thanh tra thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo những chuyển biến mới về thể chế, đó là Luật Thanh tra năm 2004, Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo và tin tưởng giao phó nhiều nhiệm vụ, công tác quan trọng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là những điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngành Thanh tra Đắk Nông. Bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn ảnh như điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh mới, nguồn nhân lực các tổ chức thanh tra ban đầu còn ít, việc thực thi pháp luật, cơ chế quản lý một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, bất cập… Nhưng với tinh thần và trách nhiệm, ngành Thanh tra Đắk Nông đã có nhiều nổ lực, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Thanh tra Chính phủ giao.
Qua chặng đường 20 năm, ngành Thanh tra tỉnh Đắk Nông chú trọng công tác xây dựng đội ngũ công chức của ngành, tăng cường ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức toàn ngành. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ công chức, đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ.
Trong công tác thanh tra, ngành Thanh tra vừa làm công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, vừa tiến hành thanh tra theo quy định để phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực. Kết quả thanh tra đã phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm, góp phần vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý Nhà nước, vừa chủ động tham mưu và triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, cùng với sự tham gia của nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra quan tâm hoạt động quản lý Nhà nước, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Những thành tựu của tỉnh nhà đã đạt được trong 20 năm qua có sự đóng góp không nhỏ của ngành Thanh tra trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.
V.M.P
Bản in