SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
9
2
3
4
4
2

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết Website
Thanh tra (01.04.2020 07:52)

Tăng cường tuyên truyền, thực hiện đúng nội dung Chỉ thị 20


(Thanh tra)- Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ (CT số 20) được ban hành về hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, nhưng, theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), tinh thần của nó đã lan tỏa và được ngành Thanh tra vận dụng triển khai, thực hiện một cách toàn diện cho cả những đối tượng khác (cơ quan, tổ chức, đơn vị) trong xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

81% vụ việc chồng chéo trong khâu xây dựng kế hoạch

TTCP tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện CT số 20
Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc đồng ý với nội dung báo cáo và kiến nghị của TTCP về kết quả thực hiện CT số 20.

Phó Thủ tướng Thường trực giao TTCP chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp để phù hợp với tình hình mới, giảm thiểu phiền hà, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan trong việc thực hiện CT số 20. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương để kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra.

Đề nghị KTNN tiếp tục phối hợp với TTCP hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp giữa TTCP và KTNN để tránh trùng lặp, chồng chéo trong việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán.

Theo TTCP, dù có nhiều cố gắng, nhưng tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn diễn ra ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương, nhất là ở khâu xây dựng, ban hành kế hoạch (chiếm 81% số vụ việc/nội dung/đối tượng chồng chéo).

Tiếp theo là trong công tác xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, mặc dù công tác phối hợp đã đem lại hiệu quả bước đầu, nhưng nhìn chung vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán và hiệu quả trong toàn ngành Thanh tra, giữa cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm toán trong việc hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các ngành/cơ quan.

Trong ngành Thanh tra, việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan thanh tra chưa có sự liên thông với nhau; trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, các cơ quan thanh tra không gửi hoặc chậm gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho đơn vị đầu mối được giao rà soát, hướng dẫn, xử lý, dẫn tới tình trạng còn chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra, do một số quy định của pháp luật hiện nay còn có quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, thiếu chế tài xử phạt, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện.

Chưa hết, vai trò, trách nhiệm của một số thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước trong việc tổ chức, triển khai CT số 20 còn hạn chế, thiếu chủ động, tích cực trong kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý của mình để xử lý, hạn chế chồng chéo. Một số cơ quan thanh tra, kiểm tra chưa thực sự quyết tâm đổi mới phương pháp, cách thức nắm tình hình tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó là nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cá nhân là đối tượng thanh tra còn hạn chế, viện dẫn những nội dung hiểu chưa đúng về CT số 20 để né tránh, không hợp tác với đoàn thanh tra, kiểm tra.

Sớm hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp

Đảm bảo thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm

Trên cơ sở yêu cầu của CT số 20, Tổng TTCP đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị và cán bộ, công chức Thanh tra triển khai thực hiện 5 nội dung chính nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra.

Một là, khi xây dựng định hướng thanh tra, phải xác định rõ và nghiêm túc thực hiện việc thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.Có văn bản hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện nội dung này.

Hai là, khi xây dựng kế hoạch thanh tra của TTCP phải rà soát kỹ, không để tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.

Ba là, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra và báo cáo Tổng TTCP để thống nhất phương án xử lý.

Bốn là, yêu cầu thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị phải chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt; nội dung thanh tra, kiểm tra thuộc phạm vi quản lý Nhà nước được giao; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra khi cần thiết theo hướng không tăng số cuộc; ban hành kết luận đúng thời hạn quy định.

Năm là, trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hay theo yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.


TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, ban hành, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tạo sự thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.Theo TTCP, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện đúng nội dung của CT số 20, tham mưu, làm rõ một số nội dung còn có cách hiểu khác nhau để thống nhất thực hiện, tiến tới không để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành Thanh tra; hạn chế chồng chéo, trùng lặp với Kiểm toán Nhà nước (KTNN), tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất và kiến nghị sửa đổi, bổ sung CT số 20 theo hướng cải cách hành chính, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp Nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới.

Sớm đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội đối với dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra theo đề nghị của TTCP. Chỉ đạo TTCP và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu ban hành quy định về việc kế thừa kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Chỉ đạo xây dựng phần mềm tích hợp dữ liệu về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp với hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp để thuận tiện cho việc tra cứu, theo dõi, tổng hợp kết quả và hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp.

Đối với KTNN, đề nghị tiếp tục phối hợp với TTCP hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp giữa TTCP và KTNN; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với thanh tra các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm toán để tránh chồng chéo (xây dựng quy chế phối hợp, nếu cần).

Chưa có trường hợp chồng chéo nào không xử lý được

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, từ năm 2017 đến nay, toàn ngành Thanh tra đã xây dựng kế hoạch tiến hành 17.459 cuộc thanh tra hành chính và 606.029 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, trong đó có 15.630 vụ việc/nội dung/đối tượng chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, với KTNN và các cơ quan kiểm tra của Đảng. Xử lý 15.617/15.630 vụ việc/nội dung/đối tượng (đạt 99,9%).

Các bộ, ngành đã xử lý nhiều vụ việc chồng chéo, gồm: Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Xây dựng, Giao thông Vận tải; các địa phương gồm: Nam Định, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nam, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Quảng Bình, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai…

Theo báo cáo nghiên cứu độc lập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 12/2019, trên phạm vi cả nước, số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong năm 2018 có xu hướng giảm so với năm 2017. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần/năm trở lên giảm mạnh từ 39,8% xuống còn 18,9%. Như vậy, vẫn còn 18,9% doanh nghiệp cho biết họ bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên. 

Theo Hiếu - Giang - thanhtra.com.vn


Bản in